Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]
 
Khoa Cử Việt Nam - THI HƯƠNG
-
Phần Thứ Hai - Chuẩn Bị
-
Chương Một

 CHẤM THI
-
Nguyễn Thị Chân Quỳnh

Phép chấm thi Hương thời Lê không thấy chép.

Thời Nguyễn, trước khi thi học trò nộp ba quyển vở trắng cho quan Ðốc học ở tỉnh, ông này đệ vào trường, giao cho quan Ðề Tuyển Ngoại trường nhận. Quan Ðề Tuyển Nội trường sai lại phòng đóng dấu tên Thí trường lên mặt quyển và dấu Giáp-Phùng (= Văn Hành Công Khí) vào giữa trang 2 và trang 3. Xong rồi chọn mỗi tên học trò một quyển vở, đem quyển trộn lung tung rồi chia làm bốn phần cho bốn vi, làm bảng yết danh mỗi vi, ghi tên học trò mỗi vi vào hai quyển sổ, một sổ giữ lại để sau nay tra xem ai đỗ ai hỏng, quyển sổ kia gửi ra Ngoại trường cùng những quyển giấy trắng của học trò để phát hôm vào trường thi.

Ngày thi ông Ðề Tuyển Ngoại trường phải ra nhà Thập đạo ngồi trông cho lại phòng nhận quyển bỏ vào hòm niêm phong. Những quyển nộp sau khi khóa hòm thì đóng dấu "Ngoại hàm" vào trang đầu, để riêng ở ngoài rồi giao cả cho ông Ðề Ðiệu Nội trường trông cho lại phòng rọc phách, tức là vẽ lên mặt quyển một hay hai cái vòng tròn to nhỏ khác nhau, hai bên cạnh viết hai dòng chữ ngắn giống hệt nhau (thí dụ Giáp nhất hiệu, Kiền lục hiệu) rồi gấp tờ giấy làm đôi theo chiều dọc, xé lấy nửa có khai tên họ cất đi để quan trường không thể nhận ra bài do ai viết thì chấm mới công bằng, không thiên vị. Nửa xé đi ấy gọi là cái phách, đem cất đi, đợi khi chấm xong thì hồi phách / kháp phách , tức là đem ráp với nửa còn lại trên mặt quyển, hễ ăn khớp là biết tên người viết.

Quyển rọc phách rồi, ông Ðề tuyển cho đóng hòm chuyển vào Nội trường chấm. Ông Giám khảo phải xét dấu niêm phong hòm trước khi phân phát cho các ông Sơ khảo chấm trước nhất bằng son ta, thứ đến các ông Phúc khảo chấm lại bằng mực xanh, rồi ông Giám khảo duyệt bằng mực mầu hồng đơn. Tất cả phải đề rõ tên họ, chức tước và số điểm phê rồi ký tên.

Các ông Sơ khảo, Phúc khảo chấm thấy quyển nào phạm trường quy thì ngừng không chấm nữa, cài vào chỗ ấy một mảnh giấy nhỏ ghi tội trạng như phạm húy, khiếm tị vv. những ông chấm sau xét thấy quả có tội thì chỉ ký tên vào đầu quyển chứ không chấm. Những quyển ấy sau khi hợp phách cũng phải làm sổ đưa ra Ngoại trường để xét ai đáng nêu tên lên bảng con, thường là những tội phạm húy, khiếm đài, khiếm tị hay bất túc, những tội kia chỉ bị đánh hỏng.

Chấm chia ra bốn hạng chính (ưu, bình, thứ, liệt ), cũng có khi chia thành nhiều hạng hơn, chẳng hạn có thứ, thứ thứ, thứ mác (bên chữ thứ có một nét như hình cái mác, nghĩa là "tạm được"), thứ cộc (mác ngắn, nghĩa là "tầm thường"). Sang thời Pháp thuộc mới chấm điểm từ 0 đến 20. Chấm xong giao cho Ðề tuyển chuyển ra Ngoại trường. Nếu có sự bất đồng ý kiến thì họp ở Giám viện để thảo luận.

Thơ phú sai vần là bị truất bỏ vì không hợp cách.

Chép đầu bài quên một chữ, nhầm một chữ cũng bị đánh hỏng. Giai Thoại Làng Nho kể trường hợp Lê Sĩ Nghị, trường Nam, khoa 1894, kỳ 1 làm cả 7 đề đều được phê ưu nhưng chép đầu đề một Truyện quên mất chữ "dã" phải ra bảng con. Khoa 1900 lại đỗ Á nguyên.

Khoa 1903, trường Hà-nam, Tú Xương chép sai đầu đề, bị đánh hỏng có làm thơ than :

Tế đổi ra Cao mà chó thế !

Tiệp trông ra Kiện , hỡi Trời ơi !

Nguyên là thi hỏng mãi, khoa này Tú Xương đổi tên lót từ Tế ra Cao để mong hết xúi quẩy, không ngờ ra thi lại chép nhầm đầu đề, chữ Tiệp hơi giống chữ Kiện, rút cục vẫn trượt (1).

Cuối quyển quên không viết "Cộng quyển nội" cũng bị loại, đấy là trường hợp Ðoàn Tử Quang khoa 1900 tại trường Nghệ lẽ ra hỏng tuột, nhờ Chủ khảo Khiếu Năng Tĩnh nên mới được đỗ áp bét.

Chữ đẹp thường được thêm điểm, ngược lại chữ xấu có khi bị đánh hỏng. Trong Lê Quý Ðôn, Bùi Hạnh Cẩn kể trường hợp Dương Sử thời Hậu Lê, chữ xấu bị Sơ khảo trường Kinh-bắc đánh hỏng, sau xét lại nên được lấy đỗ đầu.

Theo luật, các quan không được dùng mực đen chấm thi để phòng ngừa trường hợp chữa hộ bài cho học trò. Năm 1841, Cao Bá Quát làm Sơ khảo trường Thừa-thiên, thấy 24 quyển văn khá nhưng phạm trường quy nên lấy muội đèn thay mực đen chữa hộ, vớt được 5 người. Việc phát giác, Cao Bá Quát bị án tử hình, sau vua Thiệu-Trị tiếc người có tài, lại xét không phải tội ăn hối lộ nên giảm án rồi cho đi "xuất dương hiệu lực", tức là đi theo một phái đoàn ra ngoại quốc lấy công chuộc tội.

Những quyển được Nội trường lấy đỗ thì do hai ông Chánh, Phó Chủ khảo chấm lại lần cuối cùng bằng son Tầu mầu đỏ tươi, những quyển bị Nội trường đánh hỏng do các ông Phân khảo (có nhiệm vụ chia quyển thi của Nội trường gửi ra) cứu xét xem có ai đáng vớt thì trình lên ông Chủ khảo định đoạt. Giai Thoại Làng Nho chép khoa 1856, trường Bình-định, Phân khảo Vũ Duy Thanh thấy một quyển bị ba dấu "liệt" nhưng xét ra thấy khá nên phê "bình", nhờ thế Ông Ích Khiêm đỗ Cử nhân (2). Tuy nhiên, bình thường thì các Khảo quan phải cho điểm từa tựa như nhau, không được chênh lệch nhau quá. Ý kiến bất đồng thì họp ở nhà Thí viện để thảo luận. Ngoại trường mới có quyền quyết định, hễ phê "liệt" thì dẫu Nội trường phê "ưu" cũng hỏng.

Chấm xong kháp phách rồi tạm cài cái phách vào quyển để kiểm dấu phê ở trong, loại những quyển hỏng để riêng. Chọn những quyển được vào kỳ sau, rút phách ra trộn đều, lại chia làm bốn phần, làm bảng yết danh, ghi tên vào sổ... Một bọn lại phòng khác mở hòm lấy quyển trắng của học trò ra, loại những quyển của người thi hỏng để riêng, những quyển được vào kỳ sau chia làm bốn theo phách mới rồi đóng hòm gửi ra Ngoại trường để phát cho học trò.

Tùy thời, có khi chấm lối quán quyển, tức là thí sinh được dự cả ba kỳ thi rồi mới cộng điểm mà định đoạt lấy đỗ hay đánh hỏng ; có khi loại dần từng kỳ, tức là có đỗ kỳ 1 mới được dự thi kỳ 2 vv., lối này khe khắt hơn vì một người giỏi văn sách (kỳ cuối) mà dở kinh nghĩa (kỳ 1) bị loại ngay từ vòng đầu, không có dịp phô tài năng. Trần Quý Cáp (1870-1908) giỏi văn sách nhưng thi Hương hỏng mãi, sau đặc cách được thi Hội và thi Ðình, tuy không đỗ đầu nhưng riêng về môn văn sách thì khi thi Hội đè được ông Hội nguyên, khi thi Ðình đè được ông Ðình nguyên (3).

Gập trường hợp hai thí sinh đồng sức thì thường chọn người cao tuổi vì thời xưa trọng đức độ hơn tài năng, tin rằng tuổi trẻ mà đỗ cao thì dễ sinh kiêu căng, chỉ biết có mình, không giúp ích gì cho xã hội. Trình Y Xuyên nói :"Thiếu niên đăng khoa, nhất bất hạnh dã !" (tuổi trẻ mà thi đỗ sớm là điều bất hạnh nhất). Lê Quý Ðôn 17 tuổi đỗ Hương nguyên, nhưng thi Hội ba lần đều bị đánh hỏng, sau phải nhờ quan Ngự-sử họ Vũ làm "tầy cái khí kiêu căng của tuổi trẻ mới đỗ Bảng-nhãn" (4).
 

I - LUẬT LỆ CHẤM THI

A - Luật lệ thời nhà Lê

- 1502 Ðịnh rõ thể lệ thi Hương : lấy đỗ Tứ trường, Tam trường bao nhiêu phải làm sổ do các Khảo quan ký tên. Hạn trong 3 ngày, các Ðề-điệu, Giám-thí làm bản tâu lên. Nếu bản tâu chậm trễ, hay có tư tình, cống cử người không xứng đáng thì Khoa-đài (Ngự-sử) tâu lên trị tội.

- 1741 Ðầu Lê Trung Hưng, thi 3 kỳ đều lấy người viết đủ quyển, kỳ 4 mới định đoạt. Giữa Lê Trung Hưng, loại ngay ba kỳ đầu. Từ 1741, khôi phục lại chế độ cũ, đều được thi văn sách.

- 1765 Hai Ty khảo duyệt phần nhiều lấy hay bỏ theo ý riêng. Nguyễn Ðình Cơ làm Tham chính Sơn-tây, Hiến sứ Nguyễn Tống Trinh đều bị biếm chức, Thự Hiến sứ Hải-dương Nguyễn Lệnh Tân phẩm cấp ở hàng cuối bị biếm 4 tư. Ðều bị thu số tiền ngoài tiền Thông kinh nộp vào quỹ công (5).

- 1768 Lệ cũ trường Sơn-nam kỳ 3 lấy 1000 người, kỳ 4 lấy 100. Khoảng Chính-hòa (1686-1705) học trò phá trường nên kỳ 3 chỉ lấy 200, kỳ 4 lấy 20. Nay Phạm Huy Ðỉnh đề xuất cho xứ ấy nên được theo lệ cũ.

Khoa ấy Cống-sĩ các trấn vào chầu. Có người tố cáo trường Nghệ có Nguyễn Cơ không đáng lấy đỗ. Chúa cho Cơ thi riêng, Cơ để quyển trắng, không viết được chữ nào. Quan trường là Dương Sử, Nguyễn Duy Thức đều bị biếm chức (6).

- 1777 Trước đây các quan Sơ khảo, Phúc khảo phần nhiều họp đảng làm gian. Khoa này hạ lệnh kỳ 3, kỳ 4 đổi hết các quan Sơ, Phúc trường Thanh, Nghệ và tứ trấn đổi lẫn cho nhau đi chấm thi (7).

- 1779 Hương Hội Thịnh Khoa, kỳ đầu thi ngay văn sách để loại bớt học trò.

- Thời Lê Trung Hưng quan trường chỉ chấm văn thấy trôi chẩy thì cho đỗ, trùng kiến (giống nhau) cũng mặc nên nhiều người mua bài làm sẵn học thuộc lòng rồi vào trường chép lại nguyên văn. Ðời Lê Hiển Tông (1740-86), có kỳ thi Hội trường 4 có đến 18 quyển cùng viết "Trình Chu bạch độ" đều đỗ (8).

B - Luật lệ thời nhà Nguyễn

- 1807, định lệ những quyển thi do lại phòng soạn hiệu, rọc phách cất đi, còn quyển thì giao cho quan Giám khảo Nội trường để phát cho các ông Sơ khảo chấm trước nhất, rồi mới đưa những quyển trúng cho các ông Phúc khảo chấm. Chấm xong các ông Sơ khảo, Phúc khảo phải ghi tên lên mặt quyển, Giám khảo duyệt lại rồi đưa những quyển trúng ra Ngoại trường quyết định. Quyển nào văn lý lưng chừng, hay văn lý khá mà bị tì vết thì Giám khảo lưu lại, trình quan Ngoại trường xét.

Phàm các kỳ thi đều chiếu kỳ mà yết bảng những người trúng. Kỳ đệ tứ xướng danh, sau Phúc hạch yết bảng.

Chữ viết lối "chân" hay "thảo" đều được.

- 1825 định lệ chấm xong mỗi kỳ, giao tất cả mọi quyển cho Ðề điệu gộp cả bốn quyển (của bốn kỳ) làm một, đệ đến Thí viện cho quan Chủ khảo chấm. Số đỗ, hỏng, bao nhiêu lại đưa sang Ðề điệu. Quyển đỗ dán giấy viết tên rồi giao lại, quyển hỏng cũng dán giấy viết tên để thu giữ. Chuẩn cho thi hành từ năm 1826.

- 1834 Vua dụ :"Ta xem sĩ tử nhà Thanh học hành rộng rãi, phàm điển chương, pháp độ của triều đình và điện các, lâu đài đại lược phần nhiều nhớ cả... Sĩ tử nước ta kiến văn hẹp hòi... mà cả những người dự hàng Học quan và Khảo quan cũng ít người học rộng. Trong quyển thi có một, hai câu hợp lối mới lại bị quan trường sổ toẹt thì sĩ tử trông vào đâu để làm khuôn mẫu ? Việc trường thi chỉ chọn những người văn học khoa mục sung vào mà còn như thế thì nay biết chọn đâu được ?" .

- 1837 định lệ quan trường chấm văn phải cân nhắc kỹ, phê xong không được phê lại, nếu không sẽ bị đình thần nghị tội.

- 1838 Lệ trước, thi Hương lấy ưu, bình, thứ, liệt chia hạng. Quyển bị phê liệt không trúng cách, e thiệt cho người văn lý giỏi. Từ 1838, quyển nào tầm thường nhưng chưa đến nỗi sai lầm quá hãy tạm lấy, đợi suốt 3 kỳ nếu quả tầm thường lúc đó đánh hỏng cũng chưa muộn. Nếu 3 kỳ văn lý bình thường, chưa đáng lấy đỗ Cử-nhân thì chuẩn cho giáng làm Tú-tài, nhưng trong bản tâu phải trình bầy rõ.

- 1850 Mỗi trường thi có sĩ tử từ nhiều tỉnh cùng thi chung. Năm 1850, để phân biệt quyển thi của sĩ tử mỗi miền, dùng mầu đánh dấu :

Thừa-thiên : mầu vàng

Quảng-bình : mầu xanh

Quảng-trị : mầu đỏ

Quảng-nam : mầu đen vv. (9).

- 1843 Lệ 1831, việc giao nhận, chấm bài do Giám khảo lo liệu. Những quyển bị Sơ khảo loại ra không chuyển cho Phúc khảo chấm. Bộ Lễ bàn xin giao riêng những quyển ấy cho vài Phúc khảo duyệt lại. Vua vhuẩn.

-1850 Lúc đầu chia 4 hạng : ưu, bình, thứ, liệt. Từ năm 1850 chia ra 7 bậc : ưu, ưu thứ, bình, bình thứ, thứ, thứ thứ, liệt.

Những người ba kỳ được các điểm ưu, bình, thứ thì cho đỗ Cử-nhân, chỉ được thứthứ thứ, cho đỗ Tú-tài.

Mỗi kỳ yết bảng không theo thứ tự cao thấp. Kỳ 3 và 4 chia ra còn hai vi. Chấm xong gộp tất cả điểm các kỳ xếp thứ bậc chứ không căn cứ vào điểm riêng của bài văn sách. Lập sổ, yết bảng cả những người đỗ nhất, nhị trường. Ðỗ nhất trường được miễn binh đao một năm, đỗ nhị trường được miễn hai năm. Mỗi loại làm hai bản, một bản giao cho bộ Lễ lưu chiểu, một bản giao cho quan địa phương nơi có trường thi để sao cho các nơi biết.

- 1851 Bỏ lệ chấm quán quyển, có trúng cách trường 1 mới được vào trường 2.

- 1855 Trước kia, chia lấy 6 hạng : ưu, bình, bình thứ, thứ, thứ thứ, liệt. có khi phải lấy cả người tầm thường cho đủ số ngạch, phức tạp mà không tinh. Nay xin chỉ chia 4 hạng. Trúng kỳ 1 mới được vào kỳ 2. Phê từng kỳ, đem 3 kỳ cộng lại, người nào được 2 thứ, 1 bình trở lên mới cho đỗ Cử-nhân, chỉ có 3 thứ cho đỗ Tú-tài.

- Theo Ngô Tất Tố thì "phép mới" (?) ai có bình ngoại (của Ngoại trường cho) thì được vào Phúc hạch. Có người được nhiều bình nội (của Nội trường cho) mà không có bình ngoại thì không được vào Phúc hạch, chỉ đỗ Tú-tài, song lúc xếp thứ tự những người đỗ, người ta chỉ đếm số ưu, bình bất kể "nội, ngoại" thì người chỉ có "bình nội", không được vào Phúc hạch, chỉ đỗ Tú-tài, có khi lại được xếp cao, đè nhiều người được vào Phúc hạch.

- 1884 Ai đỗ tam trường có ưu, bình, yết tên vào Phúc hạch, ngày xuớng danh thi Phúc hạch. Sáng hôm thi xướng tên học trò trước nhà Thí Viện, sát hạch qua một bài thơ, biểu, chiếu hay luận. Nếu chữ và văn giống 3 kỳ đầu thì cho đỗ Cử-nhân, cấp mũ áo. So với quyển cũ kém ít thì cho đỗ Tú-tài, nếu kém hẳn, văn bất thông, thì giao cho bộ Lễ tra xét và định tội (gian lận, thuê người làm bài hộ).

- 1909 Khoa cải cách đầu tiên, chấm điểm từ 0 đến 20, được10/20 là trúng. Trúng kỳ 1 mới được vào kỳ 2.

Kỳ thi tình nguyện chữ Pháp thì đầu đề do tòa Khâm soạn, quyển thi viết xong giao cho Ðề tuyển rọc phách, chuyển cho Kiểm độc chấm, nhưng khi tính điểm chỉ kể số lẻ trên 10/20 để cộng thêm vào điểm các kỳ. Thí dụ được 13/20 thì chỉ được cộng thêm 3.

Quyển nào 3 kỳ được 40 điểm trở lên, không kể điểm thi tình nguyện, hay quyển nào 3 kỳ được 30 điểm trở lên cộng với điểm thi tình nguyện thành 40 điểm trở lên đều được vào Phúc hạch.

Phúc hạch phải được 7 điểm mới trúng cách, đỗ Cử-nhân. Từ 30 đến 39 điểm, cho đỗ Tú-tài, nhưng căn cứ vào lệ "nhất Cử, tam Tú" mà lấy (cứ lấy một người đỗ Cử-nhân thì cho ba người đỗ Tú-tài).

- 1912 Trong kỳ thi chữ Pháp dịch ra quốc ngữ, được phép lấy số điểm thừa trên điểm trung bình (10/20) cộng vào điểm hai kỳ đầu. Mỗi kỳ phải được 13/20, không kể điểm thi tình nguyện mới cho vào Phúc hạch.

- 1918 Mỗi kỳ phải được 10 điểm trở lên mới trúng, kỳ Phúc hạch phải được 7 điểm trở lên. Cộng cả 4 kỳ, lấy Cử-nhân đúng số ngạch định, còn lại xếp vào hạng Tú-tài.
 

II - GIẢI NGẠCH

Giải ngạch là ngạch lấy đỗ của mỗi trường, do triều đình ấn định từ trước, tùy số người dự thi và sự cần dùng của nhà nước.

Con số thí sinh mỗi trường thay đổi tùy thời, có thể từ mấy chục đến 12 000 người. Ngạch thời Lê, tùy mỗi trường, có thể lấy từ 10 đến 150. Thời nhà Nguyễn, trung bình mỗi trường độ 3 000 thí sinh, ngạch lấy đỗ khoảng 30 Cử-nhân. Trong De Paris au Tonkin, xuất bản năm 1885, P. Bourde chép có khoa có 10 000 thí sinh, ký đầu loại một nửa, kỳ 2 chỉ còn 1500 người, kỳ 3 còn 100, cuối cùng chỉ có 20 người đỗ Cử-nhân (10).

Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, quan trường được phép tự ý gia giảm, chẳng hạn nếu thấy các thí sinh học lực quá kém thì lấy bớt đi, không nhất định phải lấy đủ số ngạch. Ngược lại, có khi vua "gia ơn" lấy thêm người đỗ, gọi là thiêm thử. Thí dụ : năm 1884, hai trường Hà-nội, Nam-định phụ thí ở Thanh-hóa, sĩ tử có 2 000 người, nguyên ngạch định lấy đỗ trường Hà-nội 25 người, trường Nam-định 24 người, cộng cả hai trường là 49 người, vì là ân khoa, vua gia ơn lấy thêm thành 52 Cử-nhân.

Ðể phòng trường hợp vua "thiêm thử", các quan trường lấy người vào Phúc hạch bao giờ cũng kén thêm vài ba người trên số giải ngạch.

A - Luật lệ thời nhà Lê

- 1474 định số giải ngạch mỗi xứ là :

130 Cống-sĩ (Cử-nhân) : các trường Hải-dương, Sơn-nam, Kinh-bắc, Tam-giang ;

60 Cống-sĩ : các trường Thanh-hoa, Nghệ-an ;

30 Cống-sĩ : các trường Thuận-hóa, An-bang, Tuyên-quang (11).

- 1594 Khoa này trường Sơn-nam lấy 84 người.

- 1678 Lệ cũ, trường Sơn-nam lấy đỗ Tứ trường (Hương-cống) 100 người, Tam trường (Sinh-đồ) 1 000 người. Ðời Chính-hòa (1680-1705) vì có việc học trò phá trường thi, phản đối quan trường ra đầu đề hiểm hóc, quan trường phải ra đề khác mới yên. Triều đình biết chuyện nên giảm bớt số ngạch từ 100 Tứ trường và 1000 Tam trường, trước đã hạ xuống 80 Tứ trường và 800 Tam trường, nay lại bớt đi 20 Tứ trường, 200 Tam trường. Năm 1720 chúa Trịnh Cương đến thăm trường thi thấy sĩ tử quá đông đảo, cho lấy 80 Tứ trường, 800 Tam trường, đến 1743 lại cho suất số như trước (11).

- 1726 Trường Phụng-thiên lệ trước lấy 10 Tứ trường, nay lấy 15, Tam trường trước lấy 100 nay lấy 150. Thành lệ (12).

- 1762 Chúa tuần sát trường Sơn-nam, một số học trò hỏng kỳ 2 xin thi lại. Chúa thuận, cho làm văn ở ngoài đưa vào trường cho quan trường chấm. Không ai trúng (13).

- 1771 Cho trấn Sơn-nam khoa này lấy đỗ Sinh đồ Tam trường 1000 người, Tứ trường 100. Cho các xứ lấy thêm : Thanh-hoa 100 Sinh đồ ; Nghệ-an, Kinh-bắc, Hải-dương, Sơn-tây đều 80 ; Phụng-thiên 20 ; An-quảng, Thái-nguyên, Tuyên-quang, Hưng-hóa, châu Bố-chính, cứ 10 người thêm 1 (13).

- 1777 Trong Kiến Văn Tiểu Lục, Lê Quý Ðôn viết :"Gần đây, ngạch trường Thanh-hoa là 60, trường Sơn-nam 80, các trường Nghệ-an, Sơn-tây, Kinh-bắc, Hải-dương tùy trường từ 30 đến 60.

B - Luật lệ thời nhà Nguyễn

- 1831 định ngạch lấy đỗ các trường : Thừa-thiên 14 Cử-nhân, Nghệ-an 18 Cử-nhân, Gia-định 19 Cử-nhân, Thanh-hóa 9 Cử-nhân, Bắc-thành 20 Cử-nhân, Nam-định 32 Cử-nhân.

- 1841 Chỉ trường Thừa-thiên có ngạch. Vua dụ rằng các trường khác cũng nên định ngạch, nếu không thì quan trường sợ phép nước, chấm ngặt quá, bỏ sót nhân tài. Ấn định ngạch các trường : Thừa-thiên 38, Nghệ-an 25, Hà-nội 23, Nam-định 21, Gia-định 16.

- 1855 Cho phép quan trường tăng hay giảm số ngạch để khỏi phải lấy đỗ những người tầm thường cho đủ số ngạch ấn định từ trước.

- 1874 Ðịnh ngạch lấy đỗ Tú-tài : Cứ một tên Cử-nhân thì lấy hai tên Tú-tài. Cả nước lấy đỗ khoảng 4 -5 000 Tú-tài.

Vua định bãi chân Tú-tài, bắt đầu từ các trường Hà-nội, Nam-định vì cho rằng Tú-tài không dùng đến, vô ích. Bộ Lễ tâu như thế không công bằng so với các trường miền Nam đã thi khoa này và đã lấy đỗ các Tú-tài, xin cho hai trường ở Bắc vẫn được lấy Tú-tài như cũ.

- 1906 Vì năm 1904 chưa kịp tổ chức ân khoa lễ Ðại Khánh Tiết Hoàng Thái Hậu 50 tuổi, nay cho lấy thêm người đỗ :

Thừa-thiên nguyên ngạch là 32, lấy thêm 10 người thành 42

Bình-định " " 18 " " 6

Nghệ-an " " 22 " " 8

Thanh-hóa " " 14 " " 5.

Khoa này Trường Thừa-thiên sau khi ra bảng, sĩ tử đưa đơn lên Tòa Khâm và Viện Cơ mật khiếu nại về 11 Cử-nhân học dở, lạm trúng. Chuẩn cho lập hội đồng các quan Pháp, Nam duyệt lại, chỉ giữ 4 người đỗ Cử-nhân, những người kia giáng xuống Tú-tài. So với ngạch gia ân thiếu 7 người (14).

- 1909 Bình thường, sử sách của ta chỉ ghi số người đỗ từng trường của mỗi khoa, đến khi Pháp sang mới có những tài liệu của người Pháp ghi chép rõ chi tiết số người đỗ từng kỳ, thí dụ khoa cải cách 1909 :

13/11/1909 Kỳ 1 : 3068 người thi, đỗ 934 người.

25/11/1909 Kỳ 2 : 934 người thi, đỗ 408 người.

2/12/1909 Kỳ 3 : 408 người thi, đỗ 261 người.

8/12/1909 Kỳ thi chữ Pháp (tình nguyện) : 32 người thi, đỗ 20 người.

11/12/1909 Kỳ 4 (Phúc hạch) : 261 người thi, đỗ 50 Cử-nhân, 150 Tú-tài (15).

- Ngạch lấy đỗ của các trường Hà-nội và Hà-Nam :

1876 Trường Hà-nội 4 500 Thí sinh đỗ 25 Cử-nhân

1894 Trường Hà-Nam 11 000 " " đỗ 60 " "

1900 " " " 12 948 " " đỗ 90 " "

1906 " " " 6 121 " " đỗ 50 " "

1909 " " " 3 068 " " đỗ 50 " "

1912 " " " 1 398 " " đỗ 30 " "

Sĩ số trung bình mỗi trường là 3 000. Từ khi nghe phong thanh sẽ có cải cách, phải thi thêm chữ quốc ngữ và chữ Pháp, thì số người muốn thi vớt mấy khoa cuối thuần bằng Hán tự tăng lên gấp bội, đến năm 1909 khi chữ quốc ngữ thực sự thành môn thi bắt buộc, sĩ số giảm sút mau chóng bởi nhiều nhà nho cho học quốc ngữ là mất gốc, là vọng ngoại, không thèm học, không đi thi.
 

III - DANH HIỆU
A - Cử nhân, cũng gọi là Hương cống, là người đỗ thi Hương. Người thi Hương đỗ đầu gọi là Thủ khoa, Giải nguyên, hay Hương nguyên, người đỗ thứ nhì gọi là Á nguyên.

- Ở Trung quốc, danh "Cử-nhân" có từ đời Hán nhưng đời ấy chưa có Khoa cử, còn dùng phép Tiến cử những người tài đức gọi là Cử-nhân quận này, quận kia. Hai chữ "Cử-nhân" bắt đầu có từ đấy nhưng chưa phải danh hiệu trỏ vào người đỗ thi Hương. Thời nhà Ðường, những người không học các trường Học (ở Kinh sư), Hiệu (ở châu, quận), chỉ thi đỗ ở châu huyện rồi thi lại ở tòa Thượng thư, trúng tuyển gọi là Hương-cống hay Cống cử. Danh vị Cử-nhân trỏ vào người đỗ thi Hương chỉ có từ đời Tống Thái Tông (16), năm 976. Thi Hương (Hương thí) ở tỉnh, dành cho những người năm trước đã thi đỗ Tú-tài một khoa riêng ở phủ (Phủ thí).

- Ở Việt-nam, theo Phan Kế Bính thì năm 1370 vua Trần Duệ Tông mở khoa thi Hương, ai đỗ gọi là Cử-nhân.

Năm 1462, thời Hậu Lê, đổi gọi những người đỗ Cử-nhân, ra Hương-cống.

Năm 1825, Minh-Mệnh ra lệnh đổi Hương-cống là Cử-nhân, song chỉ chính thức dùng danh "Cử-nhân" từ khoa 1828.

B- Tú-tài, cũng gọi là Sinh-đồ, ở Việt-Nam trỏ những người thi Hương không đỗ Cử-nhân, vào được tới tam trường mà hỏng kỳ cuối, song vì có điểm cao trong số những người thi hỏng nên được "lấy đỗ" Tú-tài. Tú-tài không được phép thi Hội, không được làm quan, trừ những trường hợp đặc biệt.

- Ở Trung quốc, theoViệt Sử Lược, thì danh vị Tú-tài do vua Quang Vũ nhà Ðông Hán (25-57), tên là Tú, đổi ra Mậu tài (17). Thời nhà Ðường, học trò tốt nghiệp các trường Học, Hiệu rồi thi lại ở tòa Thượng thư, trúng tuyển gọi là Sinh-đồ ;các đời Minh, Thanh, người thi ở phủ, huyện đỗ thì gọi là Tú-tài, năm sau những người đỗ Tú-tài mới thi Hương, đỗ gọi là Cử-nhân.

- Ở Việt-nam, thời nhà Lê tỉ lệ lấy 1 người đỗ Hương-cống thì lấy 10 người đỗ Sinh-đồ, sang thời Nguyễn, năm 1874 có lệ lấy 1 người đỗ Cử-nhân thì lấy 2 người đỗ Tú-tài, đến 1884 mới đổi ra lệ "nhất Cử, tam Tú".

Ðể khuyến khích học trò, những người đỗ Tú-tài tuy không được thi Hội, nhưng đi thi Hương những lần sau đều được miễn thi Hạch, lại được miễn cả sưu dịch. Nếu lần sau thi Hương không viết đủ quyển hay bị phê "liệt" thì mất hết đặc quyền, phải thi Hạch trở lại như người chân trắng. Theo Lê Quý Ðôn, người đỗ Sinh-đồ khoa sau thi Hương thì văn bài có dấu riêng, đều lấy đỗ, chỉ đánh hỏng nếu bỏ sót đầu đề, chữ mất nét, bài thất luật (18).

Lệ năm 1834 định rằng ai tự tiện bỏ không thi sẽ bị cách mất chân Tú-tài ở sổ (trỏ những người không đi thi, sợ thi hỏng sẽ mất hết những đặc quyền).

Vì Tú-tài không được thi Hội nên những người muốn thi Hội bắt buộc phải thi Hương kỳ cho tới khi đỗ Cử-nhân, do đó có nhiều người đỗ đi đỗ lại Tú-tài mấy lần. Ðỗ Tú-tài 2 lần, người ta gọi là Tú Kép. Thí dụ Phan Huy Chú viết 10 năm mới xong Lịch Triều Hiến Chương thế mà sau đó đi thi lại vẫn chỉ đỗ Tú-tài nên người ta gọi là Kép Thầy (Thầy là tên làng Thụy-khuê, quê của Phan Huy Chú). Nếu đỗ Tú-tài 3 lần, thì gọi là Tú mền, đỗ Tú-tài 4 lần thì gọi là Tú đụp. Phan Thúc Trực, tác giả Quốc Sử Di Biên, đỗ tới 10 lần nên mệnh danh là Tú Mười (19).
 

IV - SAU MỘT KHOA THI

A - Bản phúc trình của Khảo quan

Thời Nguyễn, sau mỗi kỳ thi, ông Chánh khảo phải làm một bản phúc trình kết quả, ông Giám sát Ngự-sử cũng gửi một bản sớ tâu hạch những điều sơ suất, vi phạm luật lệ xẩy ra trong trường thi, bằng không thì chính mình sẽ bị tội nếu việc bị phát giác.

Lệ trước, sau khi treo bảng, quan trường đem số lấy đỗ tạm dâng lên. Năm 1840 chuẩn cho đem danh sách Tú-tài, Cử-nhân cùng sớ tấu đệ cả lên. Án sát Quảng-bình Vũ Duy Vĩ sung trường Thừa-thiên, sau khoa thi không làm bản phúc trình nên bị cách chức Án sát (20).

Những quyển ngoại hàm (nộp sau khi khóa hòm đựng quyển) tuy không được chấm điểm nhưng vẫn được đọc kỹ để làm một bản tâu riêng những người phạm húy : khinh húy chỉ bị cấm thi trong một thời gian, trọng húy bị tù tội.

B - Bộ duyệt lại

Sau mỗi kỳ thi, tất cả những quyển thi đỗ hay ngoại hàm đều đóng hòm gửi về Kinh, nộp bộ Lễ để Hội đồng Tam nha (bộ Lễ, Nội các, Viện Khoa đạo) duyệt lại rồi xin vua y.

Cũng có khi triều đình xếp lại thứ tự người đỗ, hay đánh hỏng một vài người đã được lấy đỗ :

- Năm 1831, Cao Bá Quát đỗ Á nguyên trường Thăng-long, bộ duyệt lại, truất xuống hạng bét.

- Năm 1837, bộ duyệt lại trường Thừa-thiên, truất 4 người xuống làm Tú-tài : Nguyễn Công Tùng viết lầm chữ đầu đề bài phú, Bùi Ðạo cùng với Tú-tài Vũ văn Khiêm văn bài tựa như nhau, Mai văn Mỹ là con trùm phường hát đội Thanh-bình, văn lý lại tầm thường. Quan trường bị phạt (21).

- Năm 1837, hai trường Thanh, Nghệ hợp thí, đông tới hơn 3 000 người, song chỉ lấy được có 5 người đỗ. Vua chuẩn cho đường quan 6 bộ đem những quyển thi đỗ và hỏng hội xét lại ở viện Tả Ðãi lậu (nhà ở bên tả điện, nơi các quan ngồi đợi sáng để vào chầu), lấy thêm 15 Cử-nhân. Từ trước, những quyển hỏng không có lệ đệ Kinh để lấy đỗ thêm, vua sợ không công bằng, sai quan tỉnh phải dẫn 5 người đỗ trước và 15 người lấy thêm về Kinh sát hạch lại.

Những quyển đệ Kinh giữ làm tang chứng, những quyển hỏng đem ngâm vôi làm bột giấy hoặc làm vữa trát tường cho nên Tú Xương mới viết :"Vì ai nên nỗi quyển đâm vôi ?" (22).

C - Thưởng phạt Học thần

Năm 1874 định lệ thi xong thì bộ Lễ làm danh sách giao cho bộ Lại chiếu lệ nghị thưởng hay phạt các Học thần (quan dậy học) ai có nhiều học trò đỗ thì được thưởng, trái lại thì bị phạt.
 
 

CHÚ THÍCH

1 - Bảo Vân, Thơ Nôm, tr. 125.

2 - Khai Trí Tiến Ðức, tr. 62 - Giai Thoại Làng Nho, tr. 339, chép nhầm. Theo Hương Khoa Lục Thực Lục, XXVI, 344, thì Ông Ích Khiêm đỗ khoa 1847, trường Thừa-thiên.

3 - Giai Thoại Làng Nho Tpàn Tập, tr. 662.

4 - N.H. Lê, Ðông Kinh Nghĩa Thục, tr. 55 - Tr.T. Băng Thanh, Ngô Thì Sĩ, tr. 212.

5 - Tục Biên, tr. 292.

6 - Tục Biên,tr. 235.

7 - Tục Biên, tr. 442.

8 - Tuyết Huy, tr. 384.

9 - Hương Khoa Lục, tr. 54.

10 - P. Bourde, tr. 164. Theo Hương Khoa Lục thì không có khoa nào trước 1885 (là năm Bourde xuất bản sách) lấy đỗ đúng 20 người, dù là trường Hà-nội hay trường Nam-định, khoa 1878 trường Hà lấy đỗ 18 người, khoa 1876 trường Nam lấy đỗ 21 người, còn thi lấy đỗ 25 người trở lên.

11 - Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 12 - Khoa Mục Chí, tr. 22.

12 - Tục Biên, tr. 102.

13 - Tục Biên, tr. 272, 343.

14 - Hương Khoa Lục, tr. 591.

15 - Concours triennal au Tonkin, 1909.

16 - Hương Khoa Lục, tr. 45.

17 - Việt Sử Lược, tr. 44.

18 - Kiến Văn Tiểu Lục, tr. 91.

19 - P.H. Chú, Hải Trình..., tr. 11 - P.T. Trực, Quốc Sử Di Biên, tr. VII.

20 - Thực Lục, XXII, 275-7.

21 - Thực Lục, XIX, tr. 181-6 - T.V. Giáp, Lược truyện..., tr. 413.

22 - Vũ Hoàng, Tú Xương, Tác Phẩm, Giai thoại, tr. 140.




Chim Việt Cành Nam          [  Trở Về   ]


 
CHẤM THI

Hải Âu nói :

(...) "Những quyển khiếm tị cũng như những quyển phạm húy, khiếm đài, bất túc, khiếm trang, bạch tự, thiệp tích, tì ố, phạm trường quy vv... phần nhiều không được chấm hết. Các ông sơ khảo hay phúc khảo chấm đến những chỗ có tội như vậy phải nêu vào mảnh giấy trắng nhỏ bằng giấy cuộn thuốc lá và cài lên chỗ đầu quyển rồi thôi không chấm nốt nữa. Mấy ông chấm sau, thấy chữ nêu đó, xét ra quả có tội thật thì chỉ ký tên vào trang đầu quyển chứ không chấm một nhát nào. Những quyển ấy, sau khi trở về nội trường, lại phòng hợp phách xong rồi, cũng phải làm sổ đưa ra ngoại trường để các quan ngoài đó xét xem những ai đáng nêu bảng con. Trong các tội chỉ có 4 tội : phạm húy, khiếm đài, bất túc và khiếm tỵ phải yết bảng con, còn các tội kia chỉ bị đánh hỏng mà thôi.

(...) Cụ Cử Liên-trì nói xen :

"Văn chương cầu thị bất cầu kỳ", nếu quá cầu kỳ tất nhiên không lợi trường ốc. Bởi vì trong lúc quan trường chấm văn, người ta chấm như ăn cướp, một khắc phải chấm đến mấy chục quyển, còn thì giờ đâu mà nghĩ ngấm nghĩ nghía cho mình ? Thói thường hễ mà dấu "sơ" đã chấm thế nào, ấy là dấu "phúc" dấu "giám" lại chấm thế ấy, nếu như mình đặt một câu cầu kỳ, hoặc là ý nghĩa quá ư sâu xa mà trong lúc vội vàng ông sơ khảo không kịp hiểu hết, ông ấy sổ cho vài chiếc và phê cho một chữ "liệt", ông phân khảo khó lòng mà dám phê "bình" phê "ưu". Thế là hỏng oan chứ gì ?"

Cụ nghè Quỳnh-lâm nối lời :

"Ấy cụ Nguyễn Công Hoàn ngày xưa suốt đời thi hỏng cũng chỉ vì có tật ấy."

Rồi cụ quay ra hỏi các học trò :

"Các thầy đã ai nghe chuyện cha con cụ Nguyễn đánh nhau về một câu tứ lục hay chưa ?"

Và không đợi học trò trả lời, cụ kể :

"Cụ Nguyễn Công Hoàn là bậc danh sĩ đời Lê, văn hay, học rất uẩn súc, chỉ phải cái tật đặt câu cầu kỳ, thành ra thi mãi không đỗ. Ông Nguyễn Công Lân là con, sức học tuy còn kém cụ rất xa, nhưng mà văn chương hoạt bát, ngoài hai mươi tuổi đã đỗ hương cống, rồi lại đỗ luôn tiến sĩ. Khoa ấy, tôi không nhớ là khoa nào, ông Lân đã làm chủ khảo, cụ Nguyễn vẫn còn cắp quyển đi thi, và cũng lại hỏng như trước..."

Nói đến đây, cụ nghè ngừng lại để uống hớp nước dấp giọng, rồi tiếp :

"Thế rồi đến khi việc trường đã xong, ông Lân về nhà thăm cha. Ðầu tiên, cụ Nguyễn hỏi ngay :"Khoa này có được quyển nào khá không ?". Ông con ngay thật thưa rằng :"Có một quyển khá, chỉ phải câu tứ lục thất niêm không thể lấy đỗ". Cụ Nguyễn liền gặng :"Câu tứ lục ấy thế nào ? Có nhớ không ?". Ông con thưa rằng có nhớ và đọc như vầy :

Lưu hành chi hóa tự tây đông, nam bắc vô tư bất phục ;

Tạo tựu chi công tự Cảo Mân, Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng.

Rồi thì ông ấy lại tiếc ngậm ngùi mà rằng :"Nếu như câu dưới họ đảo hai chữ "Cảo Mân"; cho đúng niêm luật thì hai câu ấy hay biết chừng nào !". Cụ Nguyễn không đợi con hết lời, vác gậy phang luôn chừng vài chục gậy. Và cụ nghiến răng nghiến lợi, chửi mắng tàn nhẫn. Cụ bảo ông con dốt nát như thế mà đi chấm trường, chôn sống biết bao nhiêu người..."

Cụ nghè nhìn học trò và hỏi :

"Các thầy có biết tại sao cụ Nguyễn phải đánh một ông chủ khảo như vậy ?"

Học trò còn đương im lặng suy nghĩ, cụ nghè lại tự cắt nghĩa :

"Thì ra hai câu tứ lục ấy chính của cụ Nguyễn, ý cụ đặt như thế này :

Lưu hành chi hóa tự Tây, Ðông Nam Bắc vô tư bất phục ;

Tạo tựu chi công tự Cảo, Mân Kỳ Phong dĩ mạc bất hưng (1)

Học trò nghe rồi ai nấy sung sướng như đã nghĩ ra một điều mới lạ. Cụ Cử Liên-trì nói thêm :

"Nếu như nghĩ kỹ một chút, chắc ai cũng nhận thấy rằng : trong hai câu đó, câu trên tất phải ngắt đến chữ "Tây", câu dưới tất phải ngắt đến chữ "Cảo". Chứ nếu chấm như kiểu ông Lân, một đằng ngắt đến chữ "Ðông", một đằng ngắt đến chữ "Mân" thì không có nghĩa gì cả. Bởi vì nhà Chu khởi ở phương Tây, đóng kẻ chợ ở đất Cảo, người ta chỉ có thể nói :"Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây, các phương Ðông, Nam, Bắc, đâu đâu cũng phục ; cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo, các xứ Mân, Kỳ, Phong, cũng dấy theo". Chứ ai lại nói :"Cái thói trôi đi nổi tự phương Tây phương Ðông... cái công đắp dựng gây từ xứ Cảo xứ Mân ?". Nhưng vì bốn chữ "Tây, Ðông, Nam, Bắc" và bốn chữ "Cảo, Mân, Kỳ, Phong" đặt liền với nhau, trong lúc vội vàng, câu trên người ta ngắt đến chữ "Ðông" thì câu dưới người ta cũng lại ngắt đến chữ "Mân", như thế chẳng những thất niêm mà còn vô nghĩa nữa chứ ! Ấy đó văn chương cầu kỳ nó hại như vậy. Các thầy nên biết mà tránh".

Lược trích Ngô Tất Tố, Lều Chõng
 
1 - Theo Trần Tiến, Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng, tr. 81, thì Nguyễn Công Hoàn viết là :

Lưu hành chi hóa tự Tây, Ðông Nam Bắc vô tư bất bặc phục

[= Phong hóa (của Văn vương) lưu hành từ phương Tây, Ðông Nam Bắc nơi nào cũng phục]

Triệu tạo chi cơ tự Cảo, Mân Kỳ Phong hữu khán tất tiên

[= Cơ nghiệp (nhà Chu) gây dựng từ đất Cảo, rồi đến Mân, Kỳ, Phong, là do ở nơi đó trước]


HỎNG THI I

Thình lình ở phía trước mặt nghe có tiếng người ầm ầm. Một bọn chừng hơn mười người hung hăng tiến lên đằng trước, hàng xứ xúm lại đi theo rất đông. Càng đi gần lại, những tiếng ầm ầm càng rõ. Trước luồng gió nhẹ, hơi rượu sặc sụa theo đám người đó tiếp tục bay lên. Nhìn đến mấy ông đi trước, ông nào ông ấy sắc mặt đỏ như mầu mặt trời, dáng đi lảo đảo như kẻ đương lên đồng trượng. Họ nghiêng bên nọ, họ ngả bên kia, có người vừa đi vừa nôn thốc nôn tháo khắp cả đường cái. Rồi họ nhao nhao chỉ tay lên phía cửa trường :

"Văn ông như thế mà bị đánh hỏng, thật là một lũ không mắt !"

"Ðã dốt không chấm nổi văn thì về mà ở với vợ ! Sao lại dám đi chấm trường ?"

Thì ra đó là những ông hỏng kỳ đệ tam. Không biết đổ lỗi cho ai, họ phải đổ cho quan trường.

Cứ một giọng hùng hổ vô lý như vậy, họ vịn vai nhau, nắm tay nhau, chắn ngang cả một đoạn đường, vừa đi vừa thét. Nhưng đi vài bước họ lại lăn xuống dọc đường, thi nhau vừa khóc vừa gào :

"Ối trời đất ơi ! Nó đỗ mà tôi bị hỏng thì tôi còn mặt mũi nào trở về làng nữa !"

"Ối cha mẹ ơi ! Nào tôi có làm điều gì thất đức, sao tôi cứ phải hỏng mãi thế này !"

"Khốn nạn thân tôi, lẽo đẽo thi bao nhiêu khoa, bây giờ mới vào tam trường một khoa, không ngờ lại hỏng. Thôi công đèn sách cũng là đổ cả xuống sông !"

Gào chán, khóc chán, họ lại đành đạch giẫy ở mặt đường giống như những người ngộ gió. Trẻ con hàng xứ vỗ tay cười reo. Tiếng cười chua chát làm cho họ đều đứng phắt trở dậy, đuổi sấn đám người chung quanh và quát :

"Chúng bay cười gì ?"

"Có phải cười chúng ông dốt thì bảo !"

Tan cuộc ra oai với lũ trẻ, họ liền nhặt lấy mỗi người một hòn gạch vỡ, hung hăng kéo lên nẻo cửa trường.

Lược trích Ngô Tất Tố, Lều Chõng
 
HỎNG THI II

(Chấm xong, quyển của Vân Hạc đáng được lấy đỗ thủ khoa, quyển của Nguyễn Chu Văn đứng thứ hai, hiềm vì Vân Hạc mới hăm hai tuổi lại chân trắng mà Nguyễn Chu Văn thì đã bốn mươi nhăm tuổi lại đã hai khoa tú-tài nên ý ông Chủ khảo định cho Nguyễn Chu Văn đỗ thủ khoa bởi ông trọng người tôn niên nhưng ông Ngự sử nhất định không nghe, cho rằng việc thi cử là thi bằng văn, không thi bằng tuổi. Kết cục phải làm sớ tâu về triều đình và gửi kèm tất cả các quyển trong bốn kỳ của hai người để tùy triều đình định đoạt.).

Ðốc Cung vui vẻ hỏi Ðoàn Bằng :

"Cụ giáo có nói chuyện gì về việc thi cử của các bác không ?"

"Có ! Bác ấy bảo chú Hạc nó hỏng tuột. Chú tú nó đỗ lại, tôi thì may được đội bảng tú-tài."

Vân Hạc nghe nói sắc mặt xám mét. Ðốc Cung cũng đổi vẻ mặt :

"Thế ra Trần Ðức Chinh bịa chuyện nói nhảm à ?"

Ðoàn Bằng đương dở bỏ khăn, cởi áo, Tiêm Hồng đỡ lời :

"Không ! Anh ta nói đúng. Bác giáo cũng bảo trong trường đã chắc chú Hạc sẽ đỗ thủ khoa. Sáng nay có chỉ ở kinh ban ra mới biết là hỏng."

"Vậy thì quyển của anh Hạc có tội gì chăng ?"

"Không ! Bác giáo cũng nói như Trần Ðức Chinh, quyển của chú nó tốt lắm, bốn "ưu", mười hai "bình" thật."

"Thế thì làm sao anh ấy lại bị hỏng tuột ? Cụ giáo có biết chỉ của triều đình nói thế nào không ?"

"Có ! Thấy bác ấy nói trong chỉ phê rằng : 'Ðào Vân Hạc quả là tay đại tài, sự học hơn hẳn Nguyễn Chu Văn, đáng được đỗ đầu khoa này. Chỉ hiềm tên ấy hãy còn trẻ tuổi, văn chương không khỏi có chỗ ngông nghênh. Nếu lấy đỗ cao, sợ sẽ nuôi thêm cho y cái bệnh kiêu ngạo thì khó trở nên một người đại dụng. Triều đình trọng sự tác thành nhân tài, không muốn cho kẻ có tài đến nỗi uổng phí. Vậy khoa này hãy cho tên ấy hỏng tuột, để mài giũa bớt những khách khí thiếu niên của y. Rồi đến khoa sau thì sẽ cho đậu giải nguyên...' "

Vân Hạc tỏ vẻ phẫn uất :

"Tác thành như thế thì chết bỏ mẹ người ta !".

Lược trích Ngô Tất Tố, Lều Chõng
Trần Tiến, Ðăng Khoa Lục Sưu Giảng, tr. 150, viết rằng năm Cảnh Hưng 40 (1780) Phạm Quý Thích đỗ Tiến sĩ, mới 20 tuổi. Quan trường muốn đánh hỏng kỳ 4, khoa sau sẽ cho đỗ đầu. Rút cục vẫn lấy đỗ nhưng người đỗ đầu lại là Ðặng Ðiền tuổi gấp đôi.

Thực Lục, XXVI, 344 : Khoa 1847, trường Thừa-thiên, Ông Ích Khiêm, 15 tuổi, thi Hương đỗ. Vua ra ngự đề một bài thơ :"Thiếu niên đăng cao khoa" (tuổi trẻ đỗ cao). Quyển dâng lên, vua cho là có thể lấy đỗ, hiềm vì ít tuổi, e làm hại tư chất tốt, cho về quê học, đợi trưởng thành sẽ cho làm quan.
 
 

HỎNG THI III

Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, cô Ngọc chỉ những nẫu nà trong ruột. Nhất là cái hôm cô ở chợ về, nhác thấy Vân Hạc lù lù ngồi trong nhà học với một dáng bộ thìu thịu, con ruồi đậu mép không buồn đuổi. Bấy giờ vào cuối tháng một, trời còn đương rét căm căm, thế mà cái khí phẫn uất ở đâu nhập vào, khiến cô mồ hôi đổ ra, ướt đẫm cả mấy lần áo. "Thế là những sự mong mỏi của mình hơn một năm nay đổ cả xuống sông xuống biển". Cô tự bảo cô như vậy.

Sau khi đã cố nén dạ để chào chồng một cách vồn vã, cô uể oải đi cất quang gánh vào buồng và lủi thủi xuống bếp đặt siêu nước. Vừa nhóm bếp cô vừa nghĩ quanh nghĩ quẩn :"Quái lạ, anh chàng văn hay chữ tốt ai cũng phải khen, làm sao đi thi lại cứ hỏng mãi ? Hay là khi ở Hà-nội, anh ta bê tha với bọn nhà trò, không tưởng gì đến văn bài cho nên mới khổ như thế ?"

Bếp củi đã nỏ, cô lại đi lên buồng học với bộ tim gan vô cùng căm hờn. Lúc ấy bà đồ, cô Bích cùng đi vắng, ông đồ thì ở nhà trên, trong nhà khách chỉ có mình cô với chàng. Muốn chọc tức chàng một hồi cho hả cơn giận, cô liền gượng cười và hỏi :

"Thế đến hôm nào trường mới xướng danh ?"

Vân Hạc ngồi trước mặt vợ, vừa xấu hổ, vừa buồn rầu, lại vừa thương hại. Chàng tưởng nàng chưa biết mình hỏng liền đáp bằng một giọng thật thà :

"Có lẽ xướng danh ngày hôm qua rồi !"

Cô vẫn cười :

"Sao mình không ở mà nghe xướng danh lại về sớm thế ! Nhường cho thiên hạ tất cả rồi ư ?"

Bấy giờ Vân Hạc mới biết là nàng mỉa mai, chàng chỉ chống tay lên má, nín lặng không nói chi hết.

Cô Ngọc cố trêu :

"Thế khoa này có ai đỗ không ?"

Vân Hạc như không buồn cất giọng :

"Anh tú đỗ lại, anh hai cũng đỗ tú-tài".

Thấy chàng hiểu lầm câu hỏi, cô mới nhớ rằng mình vì giận chồng thành ra vô ý, không kịp hỏi thăm đến hai anh chồng, liền xoay ra giọng đứng đắn :

"Khốn khổ. Một nhà đến ba người vào phúc hạch mà không ai đỗ cử-nhân, đáng tức biết chừng nào ! Nhưng thôi, các anh ấy đỗ được một tí tú-tài như thế cũng đỡ hổ lều hổ chõng. Bây giờ gần tối mất rồi, sáng mai tôi phải về mừng các anh ấy chứ ?"

Vân Hạc vẫn chẳng nói chẳng rằng. Cô liền đứng dậy súc ấm, lau chén, xuống bếp xách siêu nước lên, rẽ ràng chuyên nước đưa mời chàng uống. Cơn giận vẫn còn chưa hả, cô lại nói nốt câu chuyện đương dở :

"Mình ở Hà-nội về hay ở Ðào-nguyên sang ?"

"Tôi ở bên Ðào-nguyên sang."

"Mình về Ðào-nguyên từ hôm nào ?"

"Tôi về Ðào-nguyên hôm qua. Vì thấy bác giáo Kinh-môn ở trong trường ra nói là tôi bị hỏng tuột nên sáng hôm sau tôi và các anh về ngay, chẳng thiết ở lại xem bảng".

"Xem bảng làm quái gì nữa ! Tôi chắc khoa này cũng chẳng ai đỗ."

Vân Hạc phát cáu :

"Sao mình nói lạ như vậy ? Cả khoa không có ai đỗ thì người ta đặt ra thi cử làm gì ?"

Cô vẫn điềm nhiên :

"Vẫn còn có người đỗ ư ? Thế sao mọi ngày mình thường nói rằng nếu mình không đỗ thiên hạ chẳng thằng nào đỗ ?"

Vân Hạc phì cười không nói sao.

Cô cầm chén tống sẻ nước vào chén của chàng :

"Tôi cũng chắc là mình đỗ, có điều tôi vẫn chưa biết mình định cố đeo lều chõng mấy chục năm nữa ? Hay là mình muốn bắt chước cụ Lương Hiệu ? Ứ, khi tôi học sách Tam tự kinh thấy nói cụ Lương Hiệu tám mươi hai tuổi mới đỗ kia mà. Mình mới hai mươi hai tuổi, hãy còn trẻ chán, đỗ làm gì vội !"

Vân Hạc nghe mỗi câu nói của vợ tưởng như mỗi mũi dao găm đâm vào tim phổi, mặt chàng đỏ bừng bừng. Cô càng trêu thêm :

"Này mình ạ ! Tôi nghe ngày xưa có nàng gì đó, khi chồng thi hỏng, có đưa cho chồng một bài tứ tuyệt hay lắm, tôi đã dịch ra tiếng nôm, thử đọc để mình nghe nhé !"

Rồi không đợi chàng trả lời, cô tiếp :

"Bài ấy như vầy :

Văn quân trích trích hữu kỳ tài,
Hà sự niên niên bị phóng hồi ?
Như kim thiếp diện tu lang diện,
Quân giục lai thời, dãi dạ lai."
Vân Hạc gượng hỏi :

"Mình dịch ra sao ?"

Cô đáp :

"Tôi dịch là :

Nghe anh chữ nghĩa cũng bề bề,
Sao cứ năm năm bị đuổi về ?
Rầy nghĩ mặt chàng, ghê mặt thiếp,
Muốn vào chàng hãy đợi canh khuya."
Rồi cô nói thêm :

"Hai chữ "bề bề" tôi lấy ở câu phong dao "Văn chương chữ nghĩa bề bề " đấy mà. "Trích trích hữu kỳ tài" địch ra "chữ nghĩa bề bề" cũng được chứ gì. Phải không mình ?"

Vân Hạc tuy biết là nàng chế mình, nhưng cũng thích rằng nàng có tài dịch thơ, liền đáp :

"Vâng, thưa bà được... Song tôi không bị ai ám. Mình phải biết thế."

Chàng ngừng một lát rồi thêm :

"Nhưng cũng chưa bằng những câu của ông nào đó dịch bài "Lạc đệ" của Tầu."

Và chàng hỏi :

"Mình đã học đến hay chưa ? Bài ấy thế này :

Lạc đệ viễn quy lai,
Thê tử sắc bất hỷ,
Hoàng khuyển độc hữu tình,
Ðương môn ngoạ dao vỹ."
Rồi chàng tiếp :

"Không biết người nào đã dịch ra rằng :

Thi hỏng về đến nơi,
Vợ con mặt không vui,
Chó vàng riêng có tình,
Giữa cửa nằm vẫy đuôi."

Cô Ngọc thấy chàng mắng mình bằng cách xa xôi, sợ chồng đâm khùng, bèn tươi cười pha trò :

"Thế ra đối với các ông thi hỏng, vợ con không có tình bằng con chó nhỉ ?".

Ngô Tất Tố, Lều Chõng

 


Rọc phách

Rọc phách
Mặt quyển thi Hội - Khoa 1913
Mặt quyển thi có một đường vạch theo chiều dọc, trên vẽ một vòng tròn nhỏ, hai bên viết hai hàng chữ ngắn giống nhau.
Rọc phách là xé trang giấy theo cái vạch dọc, cất mảnh giấy có tên Thí sinh, tức là cái "phách", để quan chấm trường không thể nhận biết quyển thi của ai. Chấm xong, đem phách ráp với quyền thi, nếu vòng tròn ăn khớp và hai hàng chữ hai bên vạch giống nhau thì biết là đúng.